Ông Lee Young-Heum là nhân viên bán hàng lưu động, nên di chuyển nhiều. Trong 2 năm 9 tháng, chiếc xe điện của ông đã chạy khoảng 580.000km. Thông tin đó đã thu hút sự chú ý của Viện nghiên cứu Hyundai-Kia, họ muốn kiểm tra xem pin và hệ thống truyền động ở tình trạng như thế nào sau khi xe chạy chừng đó quãng đường.

Mẫu Ioniq 5 là niềm tự hào xe điện của Hyundai (Ảnh: Carscoops).
Mặc dù ông Lee không thấy có vấn đề gì, nhưng công ty đã thay pin và động cơ mới miễn phí vì muốn mang các bộ phận đã qua sử dụng về nghiên cứu.
Kết quả kiểm tra cho thấy sau khi di chuyển một quãng đường dài hơn khoảng cách từ trái đất đến mặt trăng, dung lượng pin tối đa vẫn ở mức 87,7%. Đây là một con số ấn tượng, đặc biệt là khi ông Lee thường xuyên sử dụng sạc nhanh, việc được cho là khiến pin xe điện xuống cấp nhanh hơn.
Ông Yoon Dal-Young, một nhà nghiên cứu cấp cao tại trung tâm nghiên cứu và phát triển pin của Hyundai, giải thích rằng khi phát triển pin, hãng cần tạo ra một mô hình dự đoán về độ bền và kiểm tra xem mô hình này có khớp với kết quả sử dụng thực tế hay không. Đó là lý do hãng kiểm tra pin của các xe đã chạy nhiều.
Hyundai thường kiểm chứng bằng xe taxi, nhưng chiếc xe của ông Lee có số km cao nhất mà họ từng thấy trên mẫu Ioniq 5.
Ông Lee cho biết khi dùng xe động cơ đốt trong, cứ 15 ngày ông lại phải thay dầu máy, do chạy xe quá nhiều. Mặc dù bảo dưỡng thường xuyên như vậy, ông vẫn phải thay thế các bộ phận của động cơ và hệ thống truyền động "liên tục".
Mỗi ngày, ông Lee lái xe trung bình 586km do đặc thù công việc bán hàng lưu động (Ảnh: Carscoops).
Ông Lee cho biết chiếc Ioniq 5 không như vậy, ông chỉ phải thay thế "những vật tư tiêu hao cơ bản nhất".
Nếu tiến hành bảo dưỡng theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất ô tô thì ở mốc 660.000km, một chiếc Tucson đã trải qua 66 lần thay dầu, 8 lần thay bugi, 13 lần thay dầu phanh và 11 lần thay dầu hộp số. Đó là chưa kể các hao mòn.
Hyundai ước tính chi phí bảo dưỡng này sẽ tốn 12-13 triệu won (223-241 triệu đồng). Chi phí ước tính cho xe Ioniq 5 thấp hơn đáng kể - 1,5 triệu won (28 triệu đồng).
Ông Lee cũng tiết kiệm được một khoản chi phí nhiên liệu không nhỏ. Hyundai ước tính một chiếc Tucson với động cơ 1.6L tăng áp sẽ cần khoảng 80 triệu won (gần 1,5 tỷ đồng) chi phí nhiên liệu. Con số này hoàn toàn trái ngược với chi phí sạc ước tính khoảng 50 triệu won (gần 930 triệu đồng).
Như vậy, số tiền mà ông Lee có thể đã tiết kiệm được là khoảng 30 triệu won (557 triệu đồng).

Giá pin xe điện khá đa dạng, tùy thuộc vào chủng loại và dung lượng, nhưng một bộ pin mới có thể có giá hàng chục nghìn USD (Ảnh: Carscoops).
Di chuyển đường bộ và hơn thế nữa
Ngoài việc giúp chủ tiết kiệm được rất nhiều tiền, chiếc Ioniq 5 hầu như không gặp sự cố gì. Tuy nhiên, sau mốc 650.000km, xe sẽ ngừng sạc chậm, do bộ sạc tích hợp trên xe đã hết tuổi thọ và hỏng theo quy luật hao mòn tự nhiên.
Chiếc xe của ông Lee dường như vẫn hoạt động tốt và đến nay đã đi được 671.000km theo công-tơ-mét. Tuy nhiên, chiếc xe cũng đang dần được nghỉ ngơi, vì ông Lee đã thay đổi công việc, không còn lái xe nhiều như trước.